Trong tuần giao dịch từ ngày 28/6, giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng nhẹ và là tuần thứ 6 liên tiếp tăng giá khi mà sức “nóng” về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu vẫn rất lớn, tạo động lực tăng giá trên thị trường. Nhân tố này còn được hỗ trợ mạnh bởi sự chậm trễ của các nhà sản xuất dầu thô trong việc điều chỉnh, mở rộng sản lượng khai thác. Các kho dự trữ dầu chiến lược suy giảm buộc các nước phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp, cho dù giá dầu hiện đang neo ở mức cao nhất 4 năm.
Các dữ liệu thống kê cho thấy, trong tháng 5/2021, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng hơn 19% so với tháng 5/2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra và nó cao hơn rất nhiều con số 9,84 triệu thùng/ngày của tháng 4/2021.
Nhưng không chỉ tại Trung Quốc mà ở cả châu Âu, Ấn Độ… và đặc biệt là Mỹ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng đang được ghi nhận có xu hướng phục hồi mạnh. Thực tế này được dự báo sẽ còn kéo dài khi mùa nắng nóng khắc nghiệt, khó lường đang trong cao điểm.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng 28/6, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 74,17 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 76,28 USD/thùng.
Thông tin về khả năng OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng, hoặc thậm chí là 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2021 đã kéo giá dầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 29/6. Tuy nhiên, diễn biến này chỉ mang tính tạm thời khi ngay sau đó, trong phiên giao dịch ngày 30/6, giá dầu thế giới đã bật tăng nhờ loạt dữ liệu kinh tế tích cực được công bố tiếp tục củng cố triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được gia tăng khi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm và đồng USD mất giá, đặc biệt là sự hoài nghi về khả năng về việc tăng sản lượng của OPEC+ khi mà các yếu tố rủi ro về thị trường như dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực còn rất lớn.
Cụ thể, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 25/6 đã giảm 6,7 triệu thùng.
Hãng tin Reuters cũng dẫn một báo cáo nội bộ của OPEC cho biết thị trường dầu thô có nguy cơ trở lại trạng thái cung vượt cầu nếu OPEC+ đưa thoả thuận cắt giảm sản lượng xuống 6 triệu thùng/ngày đến tháng 4/2022. Và điều này đang khiến giá dầu hôm nay có chiều hướng biến động nhẹ trên đỉnh 3 năm trước khi OPEC+ đưa ra phán quyết cuối cùng về sản lượng khai thác của các nước thành viên.
Trong khi chờ OPEC+ đưa ra quyết định, các kịch bản xung quanh câu chuyện này cũng đã được giới phân tích đặt ra. Theo đó, nếu OPEC+ duy trì mức sản lượng hiện tại, khiến giá dầu tăng, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ mở rộng sản xuất. Còn nếu OPEC+ tăng nguồn cung để giữ giá dầu ở mức thấp, nhiều khả năng Mỹ sẽ đi đến một thoả thuận hạt nhân với Iran và điều này có thể khiến nguồn cung dầu trên thị trường tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Tính đến đầu giờ sáng 2/7, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 75,09 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 75,66 USD/thùng.
Trong diễn biến mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phát đi dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2021 có thể đạt 7%, mức cao nhất kể từ năm 1984 và cao hơn nhiều mức dự báo tăng 4,6% được cơ quan này đưa ra hồi tháng 4/2021.
Bước sang tuần giao dịch từ ngày 5/7, giá dầu hôm nay ghi nhận thị trường dầu thô có dầu hiệu hạ nhiệt khi trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 4/7, giá dầu thế giới đã có những diễn biến trái chiều, trong đó giá dầu Brent có chiều hướng đi xuống.
Cụ thể, khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 4/7 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 75,19 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 76,11 USD/thùng. Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, trong khi giá dầu WTI giao tháng 8/2021 tăng 1,02 USD thì giá dầu Brent giao tháng 8/2021 lại giảm 0,17 USD/thùng.
Một trong những rủi ro lớn nhất, và cũng được IMF cảnh báo đó là nguy cơ lạm phát tăng cao và khả năng FED sớm tăng lãi suất.
Theo IMF, quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ kéo theo sự khó lường của lạm phát tiêu chi tiêu tiêu dùng cá nhân, và nó sẽ khiến cho các dự báo, phân tích về lạm phát trở lên khó khăn hơn.
Sự xuất hiện và gia tăng các ca mắc mới do biến chủng virus mới Delta tiếp tục là nguy cơ rủi ro được cảnh báo khi các nền kinh tế tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế. Nguy cơ này có nguy khả năng gia tăng khi các chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 đang có dấu hiệu chậm lại, quá trình sản xuất không đáp ứng được nhu cầu và quá trình triển khai không đồng đều giữa các nước.
Tại thị trường trong nước, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.760 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 20.916 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.119 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.051 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.449 đồng/kg.
Hà Lê