036 3656341

Cần rà soát lại chính sách thuế, phí trong ngành Dầu khí Việt Nam

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về việc “Báo cáo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của các DN ngành năng lượng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”.

Trong đó, đối với ngành Dầu khí Việt Nam, VEA đề xuất việc rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí và cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí… Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh.

Theo VEA, ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn khi phải đương đầu với tác động kép: Dịch Covid-19 lan rộng tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh.

Hoạt động khai thác dầu khí nước ta trong tình trạng giá dầu xuống thấp cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những điểm lợi từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp được. Hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.

Hiện tại tồn kho xăng, dầu của các Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, PVN đã đề ra các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. PVN và các đơn vị đã khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất.

Mặt khác, các đơn vị trong Tập đoàn đã tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.

Đặc biệt, các đơn vị của PVN đã tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu thấp làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tuy nhiên, VEA cho rằng, ngành Dầu khí Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Để gỡ khó cho ngành dầu khí, VEA đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí. Đặc biệt là vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm, thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí…

Ngoài ra, VEA cũng kiến nghị việc sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các Trung tâm Điện lực Ô Môn, Dung Quất và Chu Lai./.

Theo Năng lượng Việt Nam